Giới thiệu về Bảng chữ cái Tiếng Trung

Hướng dẫn chi tiết để học “Bảng chữ cái tiếng Trung”

Chương 1 – Lịch sử của chữ Hán/Bảng chữ cái tiếng Trung

Chương 2 – Làm sao để học Bảng chữ cái tiếng Trung?

Chương 3 – Lô-gíc của tiếng Trung

Chương 4 – “Bảng chữ cái tiếng Trung có bao nhiêu ký tự?”

Chương 5 – Bộ thủ trong tiếng Trung

Chương 6 – Bính âm – Pinyin – Phiên âm của Bảng chữ cái tiếng Trung

Chương 7 – Các ví dụ khác của Bảng chữ cái tiếng Trung

Chương 8 – 10 chữ Hán phổ biến nhất

Chương 9 – Các chuyên gia nói gì?

Chương 10 – Muốn đọc thêm?

Chương 11 – Còn số đếm trong tiếng Trung thì sao?

Được rồi, đầu tiên, chúng ta phải đối diện với thực tế.

我 trong Hán ngữ
我 có nghĩa là “tôi” hoặc “của tôi” trong tiếng Trung

Trong tiếng Anh, bảng chữ cái có 26 ký tự, tiếng Việt có 29 chữ cái và tiếng Nga có 33 ký tự Cyrill (Kirin). Tuy nhiên…

Khái niệm Bảng chữ cái trong tiếng Trung vốn không tồn tại.

Học tiếng Trung là phải học viết chữ và cấu trúc của chữ Hán khác với cấu trúc của chữ Latinh. Trong tiếng Trung, mỗi chữ Hán bản thân nó đã có nghĩa.

Mỗi chữ Hán là một âm tiết. Và mỗi chữ Hán bản thân nó đã có thể là một từ, nhưng cũng có nhiều từ được tạo thành bởi hai, ba hoặc thậm chí nhiều chữ gộp lại với nhau.

Bảng chữ cái tiếng Trung không tồn tại – mà chỉ có hàng ngàn những chữ Hán khác nhau. Nhiều chữ Hán nhìn cũng cực kỳ tương tự nhau nữa! Ví dụ như sau:

Trước khi bắt đầu những phần hay ho hơn, chúng ta cũng cần lùi lại và tìm hiểu một chút về lịch sử của tiếng Trung. Suy cho cùng, đất nước Trung Hoa có bề dày văn hoá và lịch sử đáng ngưỡng một và chữ Hán cũng như Hán ngữ là một phần rất lớn trong đó.

Chương 1 – Lịch sử của chữ Hán/Bảng chữ cái tiếng Trung

Chữ Hán – Bảng chữ cái tiếng Trung không tồn tại, nhưng bạn có thể thấy cách các chữ tiến hoá qua thời gian như ở đây

Hán ngữ là một trong những ngôn ngữ lâu đời nhất trên thế giới.

Không như những ngôn ngữ khác, tiếng Trung không có bảng chữ cái và cũng không được viết bằng một chuỗi các ký tự, mà bằng một chuỗi các hình ảnh biểu nghĩa và biểu âm.

BẠN CÓ BIẾT – Các sử gia đã tìm được những bản chữ viết tiếng Trung cổ với niên đại lên đến hơn 3000 năm trước, tuy vậy, chữ viết hiện đại như chúng ta có thể thấy ngày nay, cũng đã hơn 2000 năm tuổi và được phát triển trong triều đại nhà Hán.

Tất nhiên, cũng như mọi ngôn ngữ khác, “Bảng chữ cái tiếng Trung” đã tiến hoá nhiều từ những “ghi chép” đầu tiên của 2000 năm trước. Những chữ viết này đã tiến hoá thành chữ viết của rất nhiều ngôn ngữ hiện đại khác nhau như tiếng Quảng Đông (ngôn ngữ mẹ đẻ ở Hồng Kông và vùng Quảng Đông, Trung Quốc), Kanji/Hán tự (chữ Hán để biểu âm và biểu nghĩa trong tiếng Nhật) và Hán Nôm (ký tự phát triển từ chữ Hán được sử dụng ở Việt Nam trước khi chúng ta chuyển sang dùng chữ Quốc ngữ).

Ở Trung Quốc đại lục, những chữ Hán này vẫn tiếp tục phát triển đến năm 1950 khi chữ Hán giản thể được giới thiệu để giảm tỉ lệ mù chữ. Ở Trung Quốc ngày nay, chữ Hán giản thể được sử dụng phổ biến nhất, mặc dùng chữ Hán phồn thể vẫn được sử dụng ở Đài Loan và Hồng Kông.

Chương 2 – Vậy nếu không có Bảng chữ cái tiếng Trung, làm sao chúng ta có thể học Hán ngữ?

Học viên Maggie đang khoe chữ Hán mình viết

Đó là một câu hỏi hay, và câu trả lời cũng khá đơn giản (trên lý thuyết)… chúng ta sẽ học từ đầu tất cả các chữ Hán.

Một khi bạn bắt đầu học được khoảng 10 đến 20 chữ Hán đầu tiên, bạn sẽ bắt đầu nhận ra rằng những chữ Hán này xuất hiện trong rất nhiều từ, và một vài chữ Hán còn có âm đọc y hệt nhau nữa.

Tại sao lại như vậy?

Chúng ta hãy cùng thử giải thích theo cách giúp bạn đỡ 头疼 (tóu téng/đau đầu) nhất nhé!

Ví dụ với chữ Hán cơ bản nhất này: 一 (Yī – Nhất/Một).

Tuyệt vời, vậy là chúng ta đã học được chữ Hán đầu tiên! Vậy nghĩa là mỗi khi tôi thấy chữ 一 có nghĩa là sẽ có một đơn vị gì đó đúng không? Sai rồi!

Vì bảng chữ cái tiếng Trung không tồn tại, các chữ Hán có thể kết hợp với nhau để tạo thành một từ khác. May mắn thay điều này vẫn đi theo một lô-gíc nhất định. Hãy để chúng tôi giải thích nhé:

Đây là chữ Hán có nghĩa cùng, chung hoặc cộng: 共 Gòng.

Vậy là chúng ta đã học được hai chữ Hán, nhưng chúng ta chuẩn bị được học chữ thứ ba, và chỉ đơn giản là ghép hai chữ Hán bên trên lại để tạo thành…

一共 (Yī Gòng/Nhất Cộng)

Hãy thử đoán xem từ 一共 có nghĩa là gì nào? Nó có nghĩa là tất cả.

Ví dụ chữ Hán

Cũng khá hợp lý phải không nào? Đây là trường hợp điển hình cho mọi bài học tiếng Trung của bạn, chỉ cần ghép các chữ Hán lại với nhau là bạn đã học được cách tạo nên một từ mới rồi.

Vậy là hiện tại chúng ta đã học được hai chữ Hán nhưng đã biết được tổng cộng ba từ mới. Và với mỗi chữ Hán học thêm được, bạn sẽ thấy các chữ có thể ghép lại với nhau để tạo thành từ mới, và bạn sẽ dần đạt được đến trình độ mà chỉ cần nhìn vào chữ đó bạn sẽ có thể đoán được từ đó có nghĩa là gì, kể cả khi bạn chưa chắc chắn lắm về từ đó.

Chúng ta hãy thử thêm một ví dụ khác nhé :

Chúng tôi sẽ chỉ bạn thêm hai chữ Hán nữa nhé: 时 (Shí/Thì, Thời/Thời gian) and 区 (Qū/Khu/Khu vực).

Vậy là chúng ta có hai chữ Hán có nghĩa riêng, “thời gian” và “khu vực”.

Vậy nếu chúng ta ghép hai chữ này lại với nhau thì sao?

Từ 时区 này nghĩa là gì?

: Shí Qū/Thì Khu nghĩa là Múi giờ.

“Thời gian” và “khu vực” ghép lại với nhau sẽ có nghĩa là “múi giờ” trong tiếng Trung. Vậy thì, kể cả khi không có một bảng chữ cái tự nhiên, việc học tiếng Trung lại cần một sự nhất quán trong suy nghĩ.

Chương 3 – Lô-gíc của tiếng Trung

Bạn có thể dễ dàng nhìn vào một bài báo, một tờ báo hay thậm chí chỉ cần một câu tiếng Trung thôi, và nghĩ rằng « Không, mình không học nổi tiếng này đâu », nhưng hãy nghe chúng tôi.

Mặc dù có số lượng từ vựng nhiều khủng khiếp, có rất nhiều ví dụ để cho bạn thấy chữ Hán thông minh đến mức nào…

"Máy tính" bằng chữ Hán
Máy tính – Học tiếng Trung

Ví dụ chữ Hán của Điện là 电 diàn

Và ba chữ sau:

  • Tầm nhìn – 视/shì/thị
  • Bộ não – 脑/nǎo/não
  • Cái bóng – 影/yǐng/ảnh

Vậy là chúng ta đã có bốn từ mới. Bây giờ nếu ghép từ «Điện» vào trước mỗi từ này, bạn sẽ có được từ mới mà nghĩa hoàn toàn có thể đoán được như sau:

  • Điện + Nhìn = TV 电视/diànshì/điện thị
  • Điện + Não = Máy tính 电脑/diànnǎo/điện não
  • Điện + Bóng = Rạp chiếu phim 电影/diànyǐng/điện ảnh

Quá hợp lý phải không nào! Vậy nên mặc dù Hán ngữ không có bảng chữ cái để ghép các ký tự thành một từ, bạn có thể làm tương tự với chính các chữ Hán đã có.

Một vài từ được cấu thành bởi chỉ một chữ, những từ khác có thể được tạo thành từ hai, ba (hoặc thậm chí bốn hay năm chữ khác trong một số trường hợp hiếm gặp).

Cách nhớ từ vựng tiếng Trung
Mặc dù không có Bảng chữ cái tiếng Trung, việc học Hán ngữ có thể dễ hơn bạn nghĩ

Chương 4 – “Bảng chữ cái tiếng Trung có bao nhiêu ký tự?”

Đây là một câu hỏi nhiều người thắc mắc trước khi bắt đầu học tiếng Trung. Nếu bạn đã đọc đến đây thì bạn sẽ biết rằng câu hỏi này không có đáp án vì bảng chữ cái tiếng Trung không tồn tại. Tuy vậy, điều này không thể ngăn chúng tôi liệt kê ra một vài con số để bạn có thể thấy được độ sâu và rộng của ngôn ngữ này. Đừng để những con số này làm bạn chùn bước nhé…

Để giao tiếp thoải mái hàng ngày bằng tiếng Trung, bạn sẽ cần biết khoảng 500-750 chữ Hán.

  • 2,000 chữ Hán – là số lượng chữ bạn cần biết để đọc được một bài báo
  • 2,633 chữ Hán – là số lượng chữ bạn cần biết để đậu kỳ thi HSK bậc 6.
  • 8,000 chữ Hán – là số lượng chữ một người Trung Quốc được học hành tử tế sẽ biết
  • 20,000 chữ Hán – là số lượng chữ có trong một quyển từ điển Hán ngữ hiện đại

Nhưng tổng cộng có bao nhiêu chữ Hán tất cả? Những con số trên, nghe thì có vẻ nhiều, nhưng so với hai con số mà chúng tôi chuẩn bị nhắc đến dưới đây thì vẫn chỉ là một hạt cát nhỏ mà thôi:

Chúng ta hãy bắt đầu với Hán ngữ Đại từ điển (汉语大字典/Hànyǔ dà zìdiǎn) nhé. Theo quyển từ điển này, số lượng chữ Hán tồn tại thực ra vào khoảng 54,648 chữ.

Từ từ, vẫn chưa hết đâu!

Từ điển Trung Hoa Tự Hải (字海/Zhōnghuá zì hǎi) thậm chí còn nâng mọi thứ lên một tầm cao mới nữa. Quyển từ điển khá “ngắn gọn” này có đủ định nghĩa của chỉ 106,230 chữ Hán mà thôi!

Vậy nên nếu có ai đó hỏi bạn bảng chữ cái tiếng Trung có bao nhiêu ký tự, bạn không những có thể chỉ ra sự không chính xác của câu hỏi này, mà còn có thể khiến họ ngưỡng mộ với những con số khổng lồ này nữa!

Ồ, tiện thể khi nhắc đến các con số, các bạn hãy xem qua video này để xem học các con số LỚN trong tiếng Trung dễ như thế nào!

Quay trở lại với bảng chữ cái…

Về việc học tiếng Trung, các con số thực sự không quá đáng sợ. Cụ thể như sau…

Có 6 kỳ thi HSK cho người nước ngoài. HSK 1 là kỳ thi cơ bản nhất và HSK 6 là kỳ thi phức tạp nhất. Dưới đây là những yêu cầu chung cho mỗi kỳ thi. Bạn có thể tìm hiểu thêm về Kỳ thi HSK bằng cách ghé thăm trang dành riêng cho HSK của chúng tôi ở đây.

Như bạn có thể thấy bên trên – trong việc học tiếng Trung, một khi bạn đã biết được vài trăm chữ Hán, bạn sẽ có thể vận hành cuộc sống hàng ngày một cách ổn thoả và số lượng từ cũng sẽ tăng lên nhanh chóng từ đó.

Những chữ Hán giống nhau mà bạn phải biết.

Bạn sẽ dần quen với cách các chữ được tạo thành và đoán được ý nghĩa từ những nét có trong mỗi chữ, và điều đó dẫn chúng ta đến chủ đề bình luận tiếp theo…

Chương 5 – Bộ thủ: Có những bộ thủ nào trong tiếng Trung?

Các bộ thủ là một cách tuyệt vời để tìm ra nghĩa của các chữ nếu bạn chưa quen thuộc với nó, nhưng trước khi tìm hiểu thêm về điểm đó, hãy cùng tìm hiểu về định nghĩa của bộ thủ trong việc học tiếng Trung nhé!

Định nghĩa sau được lấy từ trang Wikipedia về bộ thủ trong tiếng Trung

Một bộ thủ trong tiếng Trung (Tiếng Trung: 部首, bính âm: bùshǒu) là thành tố đồ họa của chữ Hán trong truyền thống để sắp xếp các chữ trong từ điển tiếng Trung. Thành tố này thường dùng để chỉ nghĩa của chữ, mặc dù trong một vài trường hợp, mối liên kết với nghĩa gốc của chữ cũng mất dần khi nghĩa thay đổi theo thời gian.

Sau đây là một vài ví dụ:

Bộ Thuỷ trong tiếng Trung

Ở đây bạn sẽ thấy ba nét. Đây là một bộ thủ trong tiếng Trung dùng để chỉ Nước. Điều này có nghĩa là bất kỳ ký tự nào bạn thấy có ba nét này ở phía bên trái sẽ có nghĩa liên quan đến nước.

Điều này tuyệt vời ở chỗ là kể cả khi bạn không nhận biết được mặt chữ, càng học nhiều bạn sẽ càng biết nhiều hơn những từ có bộ Thuỷ để giới hạn những nghĩa có thể của chữ lạ đó.

Sau đây là một vài ví dụ của những chữ có bộ Thuỷ:

  • 液 – yè – dịch – chất lỏng
  • 河 – hé – hà – sông
  • 泡 – pào – bào – bong bóng hoặc bọt nước.

Vậy giờ bạn sẽ muốn biết có bao nhiêu bộ thủ trong tiếng Trung phải không?

Tổng cộng có 214 bộ thủ trong danh sách Bộ thủ Khang Hy 康熙  truyền thống.

Một số bộ thủ nằm bên trái của chữ, một số nằm trên đầu, bên dưới hoặc bên phải, và một số bộ thủ sẽ xuất hiện thường xuyên hơn những bộ khác.

Một số bộ thủ không dễ nhận biết như bộ Thuỷ, nhưng có lại có những hàm ý khác.

Sau đây là một số ví dụ của những bộ thủ dễ nhận biết:

  • Bộ thủ của Người là (rén/nhân)
    • Một ứng dụng của bộ Nhân là chữ 你 (nǐ/nễ) dành cho ngôi nhân xưng thứ 2 số ít như bạn, anh, chị, ông, bà, con, v.v.
  • Bộ thủ của Băng là (bīng/băng)
    • Một ứng dụng của bộ Băng là chữ 你 (dòng/đông) nghĩa là đóng băng.
  • Bộ thủ của Cánh cửa là (mén/môn)
    • Một ứng dụng của bộ này là chữ 间 (jiān/gian) nghĩa là căn phòng.

HÃY XEM LẠI NHÉ – Bạn có thấy bộ thủ thứ ba门 bọc bên ngoài chữ để tạo nên chữ间 thay vì nằm bên trái của chữ không? Các bộ thủ có muôn vàn hình dáng và kích thước, nhưng thường đưa ra những gợi ý về nghĩa của chữ ngay khi bạn vừa nhìn vào chữ đó.

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về các bộ thủ trong tiếng Trung, chúng tôi đã chuẩn bị Bộ hướng dẫn cho người mới bắt đầu này cho bạn:

Chương 6 – Thứ gần nhất với Bảng chữ cái Tiếng Trung – Xin giới thiệu: Bính âm (Pinyin)

Mặc dù Bảng chữ cái tiếng Trung không tồn tại, sự xuất hiện của Bính âm (Pinyin) đã trở thành cứu cánh cho rất nhiều người nước ngoài có nhu cầu học tiếng Trung.

Vậy Bính âm là cái gì? Theo định nghĩa của người bạn thân thiết Wikipedia của chúng ta:

Bính âm Hán ngữ (Trong Hán ngữ Giản thể: 汉语) thường được gọi tắt là Bính âm, là hệ thống ký âm bằng chữ la-tinh chính thức của tiếng Quan Thoại ở Trung Quốc đại lục và một phần của Đài Loan. Bính âm thường được dùng để dạy và học tiếng Quan Thoại viết bằng chữ Hán. Hệ thống Bính âm được phát triển vào những năm 1950s.

Bạn có thể đã để ý thấy những từ diễn tả cách phát âm nằm bên cạnh mỗi chữ Hán mới được giới thiệu. Đó chính là Bính âm.

  • 门 mén/môn
  • 影 yǐng/ảnh
  • 视 shì/thị

Chữ Hán nằm bên trái, và bên cạnh nó là Bính âm. Bính âm cùng với thanh điệu chỉ cho chúng ta cách phát âm chữ Hán đó. Các thanh điệu trong tiếng Trung Quốc cũng tương tự như thanh điệu trong tiếng Việt, nhưng đó sẽ là một chủ đề riêng, hoặc bạn cũng có thể xem thêm trong clip sau về bốn dấu cơ bản thường được sử dụng trong tiếng Trung.

Các chữ Hán thường được chia thành hai phần trong Bính âm: nguyên âm và phụ âm.

Ví dụ:

  •  fēn/phân có thể được chia thành phụ âm (f)nguyên âm (ēn)
  • shuō/thuyết có thể được chia thành phụ âm (sh) nguyên âm (uō)
  • shàng/thượng có thể được chia thành phụ âm (sh)nguyên âm (àng)

Mỗi chữ Hán sẽ được tạo thành bởi một phụ âm và một nguyên âm (với thanh điệu nằm phía trên phần cuối).

Tổng cộng có 21 phụ âm và 37 nguyên âm.

Bính âm là một cách rất tuyệt để giúp học sinh tiếng Trung bắt đầu học tiếng Quan Thoại dễ dàng hơn. Bước đầu tiên là học các thanh âm và cách phát âm các nguyên âm và phụ âm. Chẳng mấy chốc mà bạn sẽ có thể đọc được bính âm, rồi bạn sẽ dần biết cách liên kết các chữ Hán với bính âm của nó. Đơn giản vậy thôi !

Bạn cũng nên lưu ý là một số nguyên âm và phụ âm có cách phát âm tương tự như trong tiếng Anh, một số thì không. Một vài âm cũng nghe cực kỳ giống nhau. Luyện tập và thời gian sẽ giúp bạn phân biệt được chúng.

Một số ví dụ có thể là :

  • shàng (như trong Shanghai – Thượng Hải) – cách phát âm sẽ giống như cách phát âm chữ “s” trong tiếng Việt.
  • fēn – tương tự như ví dụ trên, cách phát âm giống chữ « ph » trong tiếng Việt.
  • C – đây là một âm cần phải lưu ý. Ký tự “C” luôn được phát âm là “ts”, giống như cách phát âm phần đuôi của chữ “bits” trong tiếng Anh hoặc chữ “x” ở một số vùng miền trong tiếng Việt.
  • Q – đây cũng là một âm cần để ý. “Q” được phát âm giống chữ “chee” trong tiếng Anh hoặc chữ “sờ chờ” trong tiếng Việt.
  • Zh – đây là một âm không phổ biến. Chữ “Zh” đọc nghe giống chữ “J” trong tiếng Anh hoặc chữ “tr” trong tiếng Việt. Ví dụ chữ Zhang đọc nghe giống chữ “Jang” trong tiếng Anh hoặc chữ “Trang” trong tiếng Việt.

Như bạn thấy đấy, mặc dù một vài nguyên âm và phụ âm có cách phát âm tương tự như trong tiếng Anh hoặc tiếng Việt, một số khác được phát âm khác hoàn toàn. Lời khuyên tốt nhất cho bạn ở đây là hãy tiếp cận tiếng Trung bằng chính cách phát âm của nó, thay vì cố gắng “dịch” cách phát âm này sang những âm tương tự trong tiếng Việt. Chắc chắn nghe thì có vẻ dễ lắm, nhưng đừng cố gắng đọc những từ tiếng Hán bằng âm tiếng Việt, vì trong nhiều trường hợp, người Trung Quốc bản địa sẽ không hiểu bạn đang nói gì đâu!

Chương 7Các ví dụ khác của Bảng chữ cái tiếng Trung

Wade-Giles

Hệ thống Wade Giles – Bảng chữ cái tiếng Trung

Trước khi hệ thống Bính âm trở nên phổ biến ở Trung Quốc đại lục, đã có nhiều hệ thống khác được dùng để ký âm tiếng Quan Thoại. Một trong những hệ thống ký âm bằng chữ la-tinh chính được dùng là hệ thống Wade-Giles.

Hệ thống ký âm này ban đầu được phát triển bởi một Đại sứ người Anh ở Trung Quốc – Thomas Francis Wade. Ông đã trở thành Giáo sư tiếng Quan Thoại đầu tiên ở đại học Cambridge và đã xuất bản quyển sách dạy tiếng Quan Thoại đầu tiên của mình vào năm 1867.

Ông đã tạo nên hệ thống ký âm của riêng mình để phát âm các chữ Hán. Hệ thống này sau đó được hoàn thiện bởi Herbert Allen Giles và con trai của mình là Lion Giles, một nhà ngoại giao người Anh ở Trung Quốc và sau này là một người sưu tầm của bảo tàng Anh Quốc.

Theo lô-gíc, hệ thống này được gọi là hệ thống Wade-Giles.

Hệ thống này có một vài điểm chung với hệ thống Bính âm nhưng có những biến thể riêng biệt trong cách phát âm các nguyên âm và phụ âm. Ngày nay hệ thống này đã hoàn toàn bị hệ thống Bính âm thay thế ở Trung Quốc đại lục. Mặc dù vậy, ở Đài Loan hệ thống Wade-Giles vẫn được sử dụng trong một vài trường hợp như tên địa danh. Ví dụ cách viết của Đài Bắc trong Bính âm là Taipei thay vì Táiběi (台北) và Cao Hùng là Gāoxióng (高雄) thay vì Kaohsuiung trong Bính âm.

Chú âm phù hiệu (Zhuyin Fuhao/Bopofomo)

Chú âm phù hiệu (Zhuyin Fuhao/注音符號) hay còn được gọi là Bopofomo hoặc Chú âm, là một cách chú âm khác chủ yếu được dùng để ký âm tiếng Quan Thoại ở Đài Loan. Nó có 37 ký tự và 4 thanh âm để ký hiệu tất cả các âm trong tiếng Quan Thoại.

Bốn ký tự đầu tiên của bộ ký âm này là “bo” “po” “fo” và “mo” (ㄅㄆㄇㄈ) và cũng là nguồn gốc tên gọi của hệ thống ký âm này.

Chú âm phù hiệu - Zhuyin Fuhao/Bopofomo

Không như Bính âm và Wade-Giles, Chú âm là một hệ thống ký âm riêng biệt, không sử dụng bảng chữ cái La Mã. Trong một số trường hợp, đây là một lợi thế vì các ký tự không dễ bị lẫn với cách phát âm của các ngôn ngữ khác.

Hệ thống này được phát triển vào đầu những năm 1900 trong thời kỳ Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Một hội đồng do học giả, nhà ngôn ngữ nổi tiếng – Ngô Trĩ Huy (吳稚暉) – lãnh đạo đã thống nhất cách phát âm Hán ngữ.

Những ký hiệu này vốn dựa trên chữ tốc ký của Triết học gia và Nhà văn Chương Bỉnh Lân (Zhang Binglin).

Chú âm phù hiệu vẫn được sử dụng rộng rãi ở Đài Loan, đặc biệt là ở bậc Tiểu học và Trung học để dạy trẻ em cách phát âm. Người ta có thể dễ dàng tìm thấy cách ký âm này bên cạnh chữ Hán trong sách giáo khoa hoặc từ điển.

Được rồi, vậy giờ chúng ta đã biết về chữ Hán, lịch sử và các biến thể của bảng chữ cái Trung Quốc, hãy cùng học thêm về những chữ Hán phổ biến nhất nhé…

Chương 810 chữ Hán phổ biến nhất

Học cách viết chữ Hán chủ yếu xoay quanh vận dụng kiến thức chữ Hán, nhưng bạn sẽ phải ngạc nhiên khi nhận ra những chữ Hán phổ biến nhất được sử dụng nhiều như thế nào trong cuộc sống hàng ngày.

Chúng ta hãy cùng xem qua danh sách những chữ Hán phổ biến nhất cùng những ứng dụng của chúng nhé. Bạn sẽ thấy chúng được sử dụng hàng ngày ở bất cứ đâu.

1de(một phó từ) – Độ phổ biến = 95.6
2một hoặc một ít – Độ phổ biến = 94.3
3shìlà – Độ phổ biến = 93.0
4không – Độ phổ biến = 91.8
5lemột trợ từ để diễn tả sự thay đổi hoặc hoàn thành của một hành động – Độ phổ biến = 90.7
6rénngười – Độ phổ biến = 89.7
7Tôi, của tôi – Độ phổ biến = 88.7
8zàitại – Độ phổ biến = 87.8
9yǒucó – Độ phổ biến = 87.8
10anh ta, của anh ta – Độ phổ biến 86.9

(de –  phó từ)

Xin giới thiệu đến bạn chữ Hán được sử dụng nhiều nhất trong “Bảng chữ cái tiếng Trung”, 的. Một điều thú vị là từ này không có bất kỳ một nghĩa cụ thể nào. “的” là một trong ba “phó từ de” trong tiếng Trung để chỉ sự sở hữu. Sau đây là một vài ví dụ :

我的手机
wǒ de shǒujī
Điện thoại di động của tôi

的老
wǒmen de lǎoshī
Giáo viên của tôi

你的猫
nǐ de māo
Con mèo của bạn

我爸爸的
Wǒ bàba de chē
Xe của ba tôi

Chữ Hán phổ biến nhất
的 – chữ Hán phổ biến nhất

(yī – một hoặc một ít)

Chữ Hán cho số một là chữ đơn giản nhất, được viết với chỉ một nét gạch. Số hai và ba cũng được viết một cách đơn giản tương tự (二, 三) khiến ba chữ Hán này cực kỳ dễ nhớ. Chữ cũng có nhiều nghĩa đến mức nó trở thành chữ Hán phổ biến thứ hai trong tiếng Trung. Nó bao gồm cả nghĩa đầu tiên, tốt nhất, một lần, độc nhất và các nghĩa tương tự. Sau đây là một vài ứng dụng của chữ :

Chữ Hán phổ biến nhất
Dì yī – Những chữ Hán phổ biến nhất

一瓶牛奶
Yī píng niúnǎi
Một bình sữa

第一名
Dì yī míng
Giải Nhất

看起来一
Wǒmen kàn qǐlái yīyàng
Chúng ta trông giống như một.

Bạn thấy đấy, có rất nhiều cách sử dụng khác nhau cho , đó là lý do vì sao đây là từ thông dụng thứ hai trong tiếng Trung.

(shì là)

thường dùng để nối hai danh từ với nhau và chắc chắn sẽ là chữ mà bạn sẽ nghe và thấy mỗi ngày. Bính âm của shì rất phổ biến nên hãy cẩn thận khi lắng nghe. Ví dụ, bình âm của số Mười là Shí với dấu sắc. Hãy cẩn thận đừng bị nhầm giữa hai dấu này nhé. Đây là một bài vè nói nhịu phổ biến với toàn những bính âm của từ “shi” mà chúng tôi đã viết trước đây. Bạn hãy đọc thêm khi có thể nhé!

是 chỉ nối giữa các danh từ với nhau – Một điểm cần phải nhớ khi học tiếng Trung

我是学生。
Wǒ shì xuésheng
Tôi là một học sinh.

你是老板
Nǐ shì lǎobǎn ma?
Bạn là ông chủ hả?

你是越南人
Nǐ shì yuènán rén ma?
Bạn có phải là người Việt Nam không?

Một lỗi thường gặp khi học tiếng Trung là dùng chữ 是 để nối tính từ với chủ ngữ. Đây là cách dùng sai. Như trong hình minh hoạ bên trên, Người dơi không chấp nhận cách dùng từ này bạn nhé!

Ví dụ, khi nói “Tôi là người Việt Nam” bạn sẽ sử dụng chữ 是 để nối từ “Tôi” và “người Việt Nam”. Để nói “Tôi đang vui”, bạn bỏ chữ 是 và nói 我很开. Cách dùng 我是开 là sai.

(bù không)

Đây là từ phủ định có nghĩa là “không” hoặc một ai đó/cái gì đó không có/không làm gì đó. Từ này thường được dùng với chữ 是 phía trên. Chữ 是 đứng một mình có nghĩa là một thứ gì đó CÓ TỒN TẠI, 不是 có nghĩa là nó KHÔNG TỒN TẠI. Sau đây là một vài ví dụ:

Chữ Hán phổ biến
不 – Chữ Hán phổ biến thứ 4

我是学生。
Wǒ shì xuésheng
Tôi là một học sinh.

我不是学生。
Wǒ bù shì xuésheng
Tôi không phải là một học sinh.

我是澳大利
Wǒ shì àodàlìyǎ rén
Tôi là người Úc.

我不是澳大利
Wǒ bù shì àodàlìyǎ rén
Tôi không phải là người Úc.

(le – trợ từ)

LE INFOGRAPHIC

了 là một từ khiến nhiều người nước ngoài đau đầu vì ý nghĩa và cách sử dụng. Từ này có thể dùng tương tự như từ “rồi” trong tiếng Việt để chỉ sự hoàn thành của một hành động hoặc sự thay đổi của tình huống. Vì những trường hợp này diễn ra rất thường xuyên trong một cuộc hội thoại nên chữ 了là một trong những chữ rất thường gặp trong tiếng Trung. Có rất nhiều điểm ngữ pháp có liên quan đến chữ này nhưng chúng ta sẽ nhắc đến nó trong một ngày khác.

了 là một trong những chữ Hán thường gặp nhất khi học tiếng Trung

在太晚了
Xiànzài tài wǎn le.
Giờ thì trễ quá rồi.

他太
Tā tài shuài le.
Anh ta rất đẹp trai.

了一个新手机。
Tā mǎi le yī gè xīn shǒujī.
Anh ấy đã mua một cái điện thoại mới.

了。
Wǒmen kàn guo le.
Chúng tôi đã xem nó (rồi)

(rén – người)

Đây là một từ rất đơn giản và dễ nhớ nhưng lại là một trong những từ được sử dụng nhiều nhất trong tiếng Trung! được dùng để chỉ một người hoặc con người và nhìn giống một người đang bước đi như đã được minh hoạ trong tấm thẻ chữ đơn giản mà hiệu quả dưới đây của Chineasy.

人 – Một chữ Hán đơn giản dễ học

三个人
Sān gè rén
Ba người

别人
Bié rén
Người khác

工人
Gōng rén
Công nhân

Như bạn có thể thấy, chữ như được thổi thêm sức sống qua thẻ chữ minh hoạ của Chineasy. Chúng tôi cũng đã viết một bài đánh giá cho ứng dụng Tinycards cách đây không lâu. Tinycards dùng một cách khá tương đồng với Chineasy (thẻ từ vựng) để dạy tiếng Trung và nếu bạn thích học Hán ngữ theo cách này thì bài đánh giá sẽ rất đáng đọc.

(wǒ – tôi, của tôi)

Một chữ tưởng như sẽ nằm ở vị trí cao hơn trong bảng xếp hạng, 我 có nghĩa là “tôi”, “của tôi” hoặc các danh xưng ngôi thứ I khác, và có thể được dùng để chỉ số nhiều. Ví dụ, “chúng tôi” trong tiếng Trung là 我们 (Wǒmen) với chữ “men” mang nghĩa số nhiều.

我 có nghĩa là “tôi”, “của tôi” trong tiếng Trung

我很好

Wǒ hěn hǎo

Tôi rất khoẻ.

们是意大利

Wǒmen shì yìdàlì rén

Chúng tôi là người Ý.

34

Wǒ 34 suì

Tôi 34 tuổi.

我喜欢吃比萨

Wǒ xǐhuān chī bǐsà

Tôi thích ăn Pizza.

(zài – tại)

在 là một động từ để xác nhận địa điểm hoặc sự tồn tại của một thứ gì đó. Nó có nghĩa là “ở” hoặc “tại”.

Với ví dụ bên trên, một lỗi thường gặp với những người học tiếng Trung là dùng chữ 是 cùng với chữ 在. Đây là cách dùng sai. Ví dụ, dùng 我是在上海 là sai về mặt ngữ pháp. Thay vào đó, chúng ta hãy xem cách sử dụng đúng trong các ví dụ sau:

在 – Chữ Hán ở vị trí thứ 8 trong danh sách những chữ Hán phổ biến nhất

我在上海。

Wǒ zài Shànghǎi.

Tôi đang ở Thượng Hải.

们在英国。

Tāmen zài Yīngguó.

Họ đang ở nước Anh.

谁在楼上

Shéi zài lóushàng?

Ai đang ở trên lầu?

你住在哪里

nǐ zhù zài nǎ lǐ

Bạn sống ở đâu?

(yǒu – có)

有 cũng thường được thấy trong Hán ngữ và có nhiều ứng dụng. Những ứng dụng cơ bản nhất là “có một cái gì đó”, thể hiện sự sở hữu. Để chuyển 有 thành thể phủ định, bạn chỉ cần thêm 没 (méi) vào phía trước. Từ 没有 có nghĩa là “không có”. Các ví dụ của hai cách dùng này được thể hiện dưới đây:

有 – Chữ Hán mang nghĩa “có”

今天你有课吗
Jīntiān nǐ yǒu kè ma?
Hôm nay bạn có lớp nào không?

有三个女儿
Wǒmen yǒu sān gè nǚ’ér.
Chúng tôi có ba đứa con gái.

我没有
wǒ méi yǒu qián
Tôi không có tiền.

日本有很多中国人。
Rìběn yǒu hěn duō Zhōngguó rén.
Có rất nhiều người Trung Quốc ở Nhật Bản.

(tā anh ta, của anh ta)

Từ tā thực ra là một ví dụ tuyệt vời cho việc vì sao học Hán ngữ lại không khó đến vậy. Nếu như trong tiếng Việt, chúng ta có từ riêng cho anh ấy, của anh ấy, cô ấy, của cô ấy, và nó, người Trung Quốc chỉ dùng 1 bính âm để chỉ ngôi thứ ba số ít (mặc dù cách viết chữ Hán của nam và nữ khác nhau). Đây là một lý do thường thấy cho trường hợp người Trung Quốc khi học tiếng Anh hoặc tiếng Việt lại dễ bị nhầm lẫn giữa cách dùng “he/anh ấy” và “she/cô ấy” khi nói.

他 là chữ Hán để chỉ ngôi thứ ba số ít của nam (anh ấy, anh ta, của anh ta), trong khi đó 她 là phiên bản dành cho nữ. Thật may là hai từ này không khác biệt khi nói, bạn chỉ phải nhớ sự khác biệt khi đọc và viết. Dưới đây là một vài ví dụ về cách dùng của từ tā trong một câu tiếng Trung. Ngoài ra thì còn có chữ thứ ba, 它, để chỉ “nó”.

Học Hán ngữ với 他 tā


tāmen
Họ

他几
tā jĭ suì le
Anh ấy bao nhiêu tuổi?

他的
Tā de shū
Quyển sách của anh ấy

他上周去了上海
Tā shàng zhōu qùle shànghǎi
Anh ấy đã đi Thượng Hải tuần rồi

Nếu bạn muốn biết thêm 100 chữ Hán phổ biến nhất, bạn đã gặp may rồi…

Chương 9 – Các chuyên gia nói gì?

Vậy là chúng ta đã điểm qua nhiều khía cạnh của tiếng Trung từ Bảng chữ cái cho đến Ký tự, nhưng còn

May mắn thay, chúng tôi đã nói chuyện với hai người nước ngoài nói tiếng Trung Quốc một cách trôi chảy. Mỗi người đều đã chia sẻ suy nghĩ và những bí kịp của mình về việc học Hán ngữ từ đầu và cách để vượt qua những trở ngại khó tránh khỏi đấy.

Simon từ Omniglot

Người đầu tiên là AGER SIMON, người sáng lập của website omniglot.com. Simon có bằng Cử nhân Hán ngữ Hiện đại và Nghiên cứu Nhật ngữ từ trường Đại học Leeds, đã học tiếng Nhật ở Đại học Ngoại ngữ Kansai ở Osaka, và Văn học Hán ngữ hiện đại và truyền thống ở Đại học Sư Phạm Quốc Gia Đài Loan ở Đài Bắc. Anh hiện đang điều hành Omnglot.com, một bách khoa toàn thư về các hệ thống chữ viết và ngôn ngữ. Anh ấy có thể nói trôi chảy tiếng Phổ thông, khá tốt tiếng Nhật và có hiểu biết cơ bản về tiếng Qunảg Đông và Đài Loan. Anh cũng biết nói vài ngôn ngữ khác nữa.

Tôi đã học Hán ngữ và Nhật ngữ ở các trường Đại học ở nước Anh, Đài Loan và Nhật Bản, nên có một ít kinh nghiệm về việc học các chữ Hán. Tôi đã học cả chữ Hán phồn thể và giản thể, cũng như Hán tự trong tiếng Nhật. Việc này tốn khá nhiều thời gian và công sức, nhưng cũng khá thú vị và xứng đáng, và đã giúp tôi kiếm được việc ở Đài Loan và nước Anh. Tôi đã phát hiện ra rằng học cách viết các nét theo đúng thứ tự và viết tay các chữ nhiều lần giúp tôi ghi nhớ được chúng. Tôi cũng dùng thẻ từ vựng, và liên kết hình dạng của chữ với ý nghĩa và cách phát âm của từng chữ bằng cách mường tượng ra những hình ảnh sinh động trong đầu. Càng học được nhiều chữ thì việc học các chữ sau sẽ càng dễ hơn, vì tôi có thể thấy được sự liên kết giữa các chữ và nhận ra được cấu trúc của chúng.

Bạn có thể theo dõi blog Omniglot của Simon, tài khoản YouTube, trang Instagram và các kênh Mạng Xã hội khác, rất đáng để theo dõi.

Lindsay từ trang Lindsay học Ngôn ngữ

Lindsay học Ngôn ngữ

Tiếp theo, chúng ta có chuyên viên ngôn ngữ Lindsay Williams, người điều hành website lindsaydoeslanguages.com. Thật thú vị là trong website cô ấy có nói rằng mình chưa đầu tư học ngôn ngữ một cách nghiêm túc cho tới khi cô phải học một khoá GCSE Tiếng Tây Ban Nha để có thể dịch các bài hát của Shakira! Đó cũng là một cách thông minh để bắt đầu học một ngôn ngữ mới!

Lindsay học Ngôn ngữ bắt đầu như một sở thích và đã dần phát triển thành một mô hình kinh doanh khi Lindsay bắt đầu dạy trực tuyến song song với các nhóm trường và nhóm tập đoàn. Lindsay thật tuyệt vời!

Lindsay đã rất tốt bụng khi dành chút thời gian trong lịch trình bận rộn của mình để liên lạc với chúng tôi và gửi đến các bạn lời khuyên sau…

“Khi tôi học tiếng Trung trong quá khứ, các chữ Hán luôn tạo thành một lớp nghĩa mới cho ngôn ngữ mà bạn sẽ không có được khi học một ngôn ngữ dùng bảng chữ cái mà bạn đã biết. Điều này có vẻ đáng sợ lúc ban đầu nhưng khi bạn thay đổi cách suy nghĩ của mình, hãy coi như đây là một cách nhìn mới, và tìm cách của riêng mình để học và nhớ chữ, nó có thể sẽ trở thành một trong những thứ bạn thích nhất khi học tiếng Trung!”

Olly từ trang Tôi Sẽ Dạy Bạn Một Ngôn Ngữ

Cuối cùng, chúng tôi xin giới thiệu đến bạn, Tôi Sẽ Dạy Bạn Một Ngôn Ngữ. Trang website này là một nguồn trực tuyến tuyệt vời để học ngôn ngữ do Richards Olly quản lý. Chúng tôi rất vui vì Olly đã gửi đến các bạn, người đọc đáng quý của chúng tôi, một vài thông tin hữu ích khi học tiếng Trung.

“Học cách đọc Hán ngữ là một việc khó, và rất dễ bị để dành làm sau! Thực ra, chính tôi cũng đã mắc phải lỗi này khi học tiếng Nhật và tiếng Trung, và chọn chỉ tập trung vào kỹ năng nói. Đừng đi vào vết xe đổ của tôi! Nếu bạn thực sự muốn sử dụng ngôn ngữ này một cách trôi chảy vào một ngày nào đó, bạn phải biết đọc hiểu ngôn ngữ đó. Tất cả bắt đầu từ việc học đọc! Việt biết đọc sẽ giúp bạn mở ra lượng nội dung vô giới hạn, và những nội dung đó sẽ trở thành giáo viên tốt nhất của bạn!”

Nếu bạn muốn đọc thêm từ Olly (chúng tôi rất khuyến khích điều này!!!) thì hãy ghé thăm trang YouTubeInstagram của anh ấy thường xuyên. Ở đây luôn có nhiều nội dung hữu ích mỗi tuần.

Chương 10 – Muốn đọc thêm?

Bạn muốn tìm hiểu thêm nữa? Không thể trách bạn được, tiếng Trung là một chủ đề hấp dẫn vô giới hạn. Thật may là các blog của chúng tôi là nơi hoàn hảo để tìm hiểu thêm về vô vàn những chủ để liên quan đến Trung Quốc. Sau đây là một vài chủ đề mà chúng tôi nghĩ bạn sẽ có hứng thú:

  • Học Hán ngữ qua điện thoại – Ngày nay có hàng trăm ứng dụng học tiếng Trung nhưng đâu là những cái tốt nhất?
  • Hẹn hò ở Trung Quốc – Như có nói ở trên, văn hoá Trung Hoa rất giàu đẹp, nhưng nó không chỉ gói gọn trong việc học tập! Văn hoá hẹn hò ở Trung Quốc khác biệt như thế nào? Chắc chắn sẽ không giống như những gì bạn vẫn biết rồi!
  • Tiếng lóng ở Trung Quốc – Học trong sách vở cũng tốt rồi, nhưng còn những cụm từ mới mà mọi người đều hiểu và sử dụng? Chúng ta hãy cùng học những từ lóng thông dụng trong tiếng Trung nhé!
  • Tục ngữ Trung Quốc – Vừa tìm hiểu thêm về sự thông thái của văn hoá Trung Hoa truyền thống vừa học được thêm những từ và cụm từ mới.

Chương 11Còn số đếm trong tiếng Trung thì sao?

BẠN CÓ BIẾT KHÔNG – Số đếm trong tiếng Trung cũng có những chữ Hán cho riêng mình đấy.

Chúng tôi đã dành riêng một bài blog khác cho Số đếm trong tiếng Trung, nhưng chúng tôi cũng đã dành một chút thời gian để làm những video hữu ích cho bạn để có một hướng dẫn ngắn gọn về cách học số đếm trong tiếng Trung!

Muốn tìm hiểu thêm về LTL?

Nếu bạn muốn nhận được những tin tức mới nhất từ Trường Hán Ngữ LTL, tại sao không gia nhập danh sách nhận email từ chúng tôi nhỉ? Chúng tôi sẽ gửi cho bạn rất nhiều thông tin hữu ích về việc học tiếng Trung, những ứng dụng học ngôn ngữ có ích và cập nhật về mọi thứ đang diễn ra ở các trường LTL của chúng tôi! Đăng ký bên dưới và trở thành một phần của cộng đồng đang lớn mạnh của chúng tôi nhé!

Dịch từ bản tiếng Anh của Max Hobbs từ trang của Trường Hán Ngữ LTL.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *