Tất tần tật về Tết Âm lịch Trung Quốc
Tìm hiểu về Tết Âm lịch ở Trung Quốc – Những truyền thống và tập tục
Tết Âm lịch là dịp lễ lớn nhất năm ở Trung Quốc!
Các gia đình ở khắp Trung Quốc sẽ ăn mừng theo những cách rất riêng. Nhiều gia đình sẽ cùng nhau làm bánh bao (jiăozi – 饺子) và trao những phong bao lì xì (hóngbāo – 紅包) cho những người thân thiết nhất.
Tuy vậy, những truyền thống địa phương này không chỉ gồm việc đưa tiền mừng tuổi và ăn bánh bao và có thể khác biệt rất nhiều những vùng miền khác nhau.
Trung Quốc là một đất nước rộng lớn với dân số đông và gồm nhiều dân tộc thiểu số khác nhau.
Những truyền thống này không chỉ khác biệt giữa những vùng miền mà còn giữa những gia đình với nhau nữa.
Những truyền thống Tết Âm lịch ở Trung Quốc – Thomas
Những truyền thống Tết Âm lịch ở Trung Quốc – Emma
Những truyền thống Tết Âm lịch ở Trung Quốc – Cynthia
Để giới thiệu cho bạn về những truyền thống Năm Mới từ nhiều vùng miền khác nhau trên khắp Trung Quốc, chúng tôi đã nhờ ba giáo viên của chúng tôi tại Trường Hán Ngữ LTL kể cho tất cả chúng ta nghe về những truyền thống riêng của vùng miền và của gia đình họ.
Sau đó, chúng ta sẽ xem qua một vài phong tục thường thấy trong dịp Tết Âm lịch và chỉ cho bạn cách nói một vài Cam kết đầu năm phổ biến, vậy nên hãy chuẩn bị tinh thần cho hướng dẫn của những thổ địa về Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc nhé!
Tuy vậy, trước đó chúng ta hãy cùng xem qua một clip tiếng Anh về những người nước ngoài đang “thực chiến” trong căn bếp của người Trung Quốc nhé! Và đây là Daniel đang tập làm bánh bao!
Chúng ta hãy cùng xem Daniel tập làm bánh bao kiểu Trung Quốc nhé!
Những truyền thống Tết Âm lịch ở Trung Quốc
Truyền thống #1 – Câu chuyện của Thomas từ Bắc Kinh
Tên tôi là Tonda (Thomas), giáo viên tiếng Quan Thoại của LTL.
Tôi là một người Bắc Kinh gốc, gia đình của tôi đã sinh sống ở đây qua nhiều thế hệ. Tôi lớn lên ở khu vực Thiên An Môn trong một Tứ Hợp Viện giữa các Hồ đồng.
Mỗi nơi sẽ có một văn hóa khác nhau và tôi muốn chia sẻ với mọi người một vài truyền thống văn hóa ở Bắc Kinh khi đón Tết Âm lịch.
Trước đêm Hội xuân, những người sống ở các Hồ đồng sẽ trưng các biển câu đối lên hai bên cổng vào sân nhà và cả trên cổng nữa.
Ví dụ như: Cung chúc tân xuân, Chúc mừng năm Mùi, Năm mới tốt đẹp và may mắn, v.v.
Chúng tôi cũng treo hình các Môn thần lên cổng sân để trừ tà.
Chúng tôi sẽ cùng nhau ăn bánh bao với các thành viên trong gia đình vào Đêm giao thừa, xem chương trình Đêm Hội xuân trên TV và ngắm pháo hoa qua cửa sổ nhà mình.
Chúng tôi cũng cùng nhau ăn Bánh Tổ, trong tiếng Trung Quốc gọi là “nian gao” (nian – Niên, gao – Cao). Ăn món bánh này sẽ giúp đảm bảo mọi thứ được thịnh vượng, tiến bộ, và cải thiện hơn qua mỗi năm.
Vào ngày đầu tiên của Năm Mới, chúng tôi sẽ đi thăm người thân, họ hàng. Tuy vậy, con gái trong gia đình sẽ không được về thăm nhà trong ngày đầu năm mới vì người ta tin rằng nó có nghĩa là hôn nhân của họ có vấn đề và có thể sẽ đem xui xẻo đến cho cả gia đình. Vậy nên họ thường sẽ bắt đầu vào ngày thứ hai của năm.
Ngoài ra thì chúng tôi cũng sẽ không quét nhà, vứt rác, tắm rửa hoặc cắt tóc vào ngày đầu tiên của Năm Mới.
Thay vào đó, chúng tôi thường mua trái cây làm quà cho những người thân trong gia đình. Mỗi loại trái cây khác nhau sẽ có biểu trưng cho những lời chúc khác nhau, ví dụ như:
Táo tượng trưng cho bình an.Quýt mang lại may mắn.Cam mang nghĩa ước mơ thành hiện thực.Đào tượng trưng cho việc sống lâu.
BẠN BIẾT KHÔNG – Trong văn hóa Trung Quốc, chúng tôi cũng có 12 con giáp – Chuột (Tí), Trâu (Sửu), Hổ (Dần), Thỏ (Thố), Rồng (Thìn), Rắn (Tị), Ngựa (Ngọ), Cừu (Dương), Khỉ (Thân), Gà (Dậu), Chó (Tuất) và Heo (Hợi).
Vào ngày thứ hai của Năm Mới, người Bắc Kinh thường cầu Thần Tài. Họ dạy cho chúng ta rằng những lời cầu khấn thành tâm và tử tế sẽ được đền đáp bằng của cải dồi dào và người ta nên tạo dựng của cải dựa trên sự tử tế và công bằng.
Trong Tết, chúng tôi cũng thường đi chùa và cầu nguyện ở những chùa Phật giáo và Đạo giáo cho một năm mới khỏe mạnh và tươi sáng.
Vào ngày Mùng 5, chúng tôi sẽ lại cùng nhau ăn bánh bao. Vào ngày 15 Âm lịch, chúng tôi sẽ ăn bánh Trôi nước (Yuan Xiao) cho Lễ hội Đèn lồng.
Vào buổi tối của Lễ hội Đèn lồng, người ta sẽ cùng nhau đi tản bộ để có sức khỏe tốt và đánh dấu sự kết thúc của Hội xuân. Và đó là những truyền thống để đón Tết Âm lịch của người Bắc Kinh. Chúc bạn có một Hội xuân vui vẻ!
Tongda (Thomas), giáo viên của trường LTL.
Truyền thống #2 – Câu chuyện của Emma từ Phúc Châu
Tôi quê ở tỉnh Vĩnh Thái, thuộc thành phố Phúc Châu ở nam Trung Quốc.
Những ngày trước đêm Giao thừa, mọi gia đình sẽ bắt đầu chuẩn bị đón Tết. Đầu tiên, chúng tôi sẽ cùng nhau dọn nhà đón Tết để chào đón một năm mới sạch sẽ. Bước tiếp theo sẽ là chuẩn bị thức ăn cho bữa tối Giao thừa.
Chúng tôi sẽ không ăn bánh bao mà ăn Bánh trôi Tangyuan (汤圆), một loại bánh tròn và trắng mang ý nghĩa Đoàn viên – Tuanyuan (团圆).
Chúng tôi cũng ăn một loại bánh gạo dẹt trắng và tròn khác tên là Niangao (年糕) (Bánh Tổ).
Món cá là món phải có trên bàn ăn mỗi năm, vì cá (鱼/ yú/) đồng âm với 余/ yú/dư trong “dư thừa”, với tượng trưng cho 年年有余(nian nian you yu/quanh năm dư thừa)nghĩa là hàng năm chúng tôi sẽ luôn có nhiều đồ ăn.
Mỗi năm, chúng tôi cũng sẽ cùng nhau ăn một loại mì trứng truyền thống cùng khoai ngọt gọi là Longyan (蛋燕).
Trước khi bắt đầu Bữa tối Giao thừa, chúng tôi sẽ cúng Thần bếp.
Chúng tôi tin rằng bà ấy sẽ chúc phúc và bảo vệ chúng tôi. Mỗi năm tôi đều ăn ngon lành những món trên bàn và và biết rằng mẹ của mình đã để phần một nửa những món ăn ngon lành này trong bếp để mọi người có thể tiếp tục thưởng thức vào ngày Mùng Một Tết. Việc tiếp tục ăn những món đã được để dành từ ngày cuối cùng của năm cũ là một cách để nối tiếp nian nian you yu.
Sau khi đã dọn nhà đón năm mới, mỗi gia đình sẽ bắt đầu trang trí nhà cửa như treo câu đối Tết và chữ Phúc 福, thường được treo ngược để tượng trưng cho Phúc đang tới.
Khi đêm Giao thừa tới, trẻ em sẽ vô cùng phấn khích vì được nhận tiền lì xì từ những người lớn trong gia đình, và chúng cũng rất thích pháo hoa.
Vào ngày Mùng Một Tết, các ông bố trong gia đình sẽ đốt pháo hoa để “Đánh thức năm mới”.
Trong khi đó, các bà mẹ sẽ bắt đầu chuẩn bị một bữa sáng thịnh soạn. Mọi người sẽ tự thức giấc và diện đồ mới quây quần bên bàn ăn. Chúng tôi sẽ không được gõ cửa đánh thức những người khác vì điều đó sẽ đem đến xui xẻo cho họ.
Ngày Mùng Một sẽ chỉ có các thành viên trong gia đình dành thời gian cho nhau. Kể từ ngày Mùng Hai mỗi gia đình sẽ bắt đầu đón khách và họ sẽ cùng nhau tận hưởng khoảng thời gian sum vầy này.
Và đây là những gì diễn ra trong Hội xuân của tôi.
Emma Chen, giáo viên của LTL.
Truyền thống #3 – Cynthia từ Liêu Thành
Tên tôi là Trương Hân (tên tiếng Anh là Cynthia), tôi đến từ Liêu Thành của tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung Quốc.
Vì tỉnh Sơn Đông là quê nhà của Khổng Giáo nên các phong tục của Lễ hội Mùa xuân rất quan trọng với chúng tôi.
Lễ hội Mùa xuân sẽ bắt đầu từ Hội Lạp Bát (ngày mồng Tám tháng Chạp) đến Hội Đèn lồng hay còn gọi là Hội Nguyên Tiêu (ngày rằm tháng Giêng). Vào Hội Lạp Bát, mọi người sẽ ăn cháo Lạp Bát được nấu từ gạo, các loại hạt và trái cây khô.
Rồi từ đó, mọi người sẽ bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, mua quần áo mới và chuẩn bị đồ ăn ngon để đón Lễ hội Mùa xuân.
Vào ngày Tiểu Tân Niên (ngày 23 tháng Chạp), người ta sẽ phải ăn bánh bao và tiễn ông Táo về Thiên Đình để báo cáo về tình hình của gia đình trong năm qua.
Ngày quan trọng nhất của Lễ hội Mùa xuân là Đêm giao thừa.
Ngày này của năm còn được gọi là “Đại Tam Thập”.
Sau buổi trưa, mọi người sẽ bắt đầu dán câu đối và chữ Phúc ngược, biểu trưng cho phúc sẽ đến trong tương lai.
Vào buổi tối sẽ có một bữa cơm gia đình rồi đến phong tục trao tiền lì xì. Vào 12:00 đêm, mọi gia đình sẽ cùng nhau đốt pháo hoa.
Ngày Mùng Một đầu năm vô cùng quan trọng. Mọi người sẽ dậy sớm để đến thăm người thân họ hàng, gọi điện chúc mừng năm mới và người lớn sẽ lì xì cho trẻ em.
Từ sau đó mọi người sẽ đến thăm người thân họ hàng cho tới Hội Đèn lồng, đặc biệt là những phụ nữ đã có chồng sẽ về thăm bố mẹ vào ngày Mùng Hai.
Vào Hội Đèn lồng (Rằm tháng Giêng), chúng tôi sẽ ăn bánh trôi Yuanxiao và cùng nhau ngắm đèn lồng.
Cynthia, giáo viên của LTL.
Và từ tất cả các giáo viên và nhân viên của trường LTL, 新年快乐!
Những phong tục Năm Mới ở Trung Quốc – Hướng dẫn để sinh tồn
Vậy chúng ta đã biết được người Trung Quốc sẽ làm gì trong Tết Âm lịch của họ rồi, nhưng các truyền thống Tết này còn có ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều.
Người ta nói rằng để hiểu được một ngôn ngữ, bạn sẽ phải hiểu được văn hóa của họ, nên chúng tôi muốn tìm hiểu sâu hơn về Tết Âm lịch và những phong tục mà người Trung Quốc phải thực hiện trong những ngày lễ này.
VẬY THÌ chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu những phong tục kỳ cục trong Tết Âm lịch nơi đây, bắt đầu bằng…
Người Trung Quốc tin rằng năm mới phải được bắt đầu bằng thành công và thuận lợi, bởi vì bất kỳ những gì bạn làm vào ngày đầu tiên, tuần đầu tiên, thậm chí là tháng đầu tiên, của Tết đều sẽ ảnh hưởng đến cả năm của bạn.
Nói vậy những cũng có nhiều phong tục Tết mà người Trung Quốc làm theo để cầu một năm mới may mắn và thuận lợi.
Thức dậy nhẹ nhàng
Vào sáng Năm Mới, các thành viên trong một gia đình người Trung Quốc sẽ tự thức dậy.
Bạn không được đánh thức người khác hoặc đến thăm khi họ vẫn chưa ngủ dậy.
Đây sẽ là điều xui xẻo cho người còn đang ngủ. Nếu bạn đánh thức người ta dậy, họ sẽ bị hối thúc và bắt ép suốt năm.
Nếu bạn đến thăm một người chưa thức dậy, họ sẽ bị liệt giường cả năm. Nên tốt nhất là hãy để mọi người tự thức dậy. Thật là một cách hoàn hảo để ngủ bù những ngày thiếu ngủ trong năm!
Một khi bạn đã thức dậy, hãy nhớ mở hết mọi cửa sổ và cửa ra vào. Điều này không chỉ giúp bạn tỉnh táo hơn nhờ không khí trong lành, mở cửa sổ và cửa ra vào trong ngày Mùng Một hay 初一 (Chū Yī) còn cho phép may mắn và phồn vinh vào nhà.
Người Trung Quốc gọi ngày Mùng Một Âm lịch là 初一 (Chū Yī), ngày Mùng Hai là 初二 (Chū èr), tương tự như vậy cho tới 初十 (Chū Shí). Những ngày sau đó sẽ được gọi theo số lại như bình thường.
Bữa sáng có gì?
Khi gia đình chuẩn bị ăn sáng, họ sẽ thấy hũ gạo của nhà, hay còn gọi là 米缸 (Mǐ Gāng) đầy ắp.
Hũ gạo không được phép cạn trong dịp Tết.
Một hũ gạo rỗng sẽ gây lo lắng trong gia đình vì đó là điềm xấu, rằng gia đình sẽ bị đói suốt năm. Nên nếu nhà bạn có một hũ gạo, hãy nhớ lấp đầy nó trước khi Tết đến nhé!
Mặc dù cháo là một món ăn sáng phổ biến ở Trung Quốc; cháo không được dùng làm bữa sáng trong Năm Mới.
Đó là bởi vì trong quá khứ, cháo là món ăn của người nghèo. Dùng nó làm bữa sáng trong Năm Mới nghĩa là bạn sẽ bị nghèo và đói suốt năm.
Có lẽ bạn sẽ muốn dùng bữa sáng thông thường với thịt muối và trứng. Nhưng không phải trong hôm nay.
Người ta không nên ăn thịt cho bữa sáng Năm Mới. Có hai hướng giải thích cho sự kiêng kỵ này. Một hướng có nguồn gốc Phật Giáo.
Nhiều gia đình sùng đạo tin rằng việc không ăn thịt trong bữa sáng Năm Mới sẽ giúp bạn tích đức, hay còn gọi là 积德 (Jī Dé); và sẽ có quả báo tốt cho cả năm.
Một hướng giải thích khác cho việc không ăn thịt là để nhắc nhở gia đình đừng nên phung phí.
Vậy bạn có thể ăn món gì?
汤圆(Tāng Yuán), hay bánh trôi, và 饺子 (Jiǎo Zi), hay sủi cảo, là một trong những lựa chọn phổ biến. Bánh bao gạo chay, hay 菜包 (Cài Bāo) dùng với nước tương cũng được.
Khi bạn đã ăn sáng xong, hãy cẩn thận khi dọn dẹp chén đĩa. Làm vỡ chén đĩa trong Năm Mới là một điều xui rủi vì đổ vỡ hay 碎 (Suì) là một từ tiêu cực, sẽ đem lại điềm xấu cho cả năm.
Nếu một ai đó lỡ tay làm rơi vỡ một cái tô hay đĩa, hãy nhanh chóng bọc nó lại với giấy đỏ và nói một vài câu chúc may mắn để bù lại. Bạn có thể nói những câu như 岁岁平安 (Suì Suì Píng Ān/Năm năm bình an), nghĩa là mọi năm đều được yên lành, hoặc 大发 (Dà Fā/Đại Phát), nghĩa là nhiều sung túc.
Mặc đồ để được may mắn và thành công
Sau bữa sáng là lúc bạn sẽ thay bộ đồ ngủ ra và diện những bộ đồ mới đẹp nhất.
Thật là phiền phức phải không? Nhưng trước khi bạn bỏ cuộc và xỏ vội cái quần jeans đen ôm cùng cái áo len đen thường ngày, hãy nghĩ lại nhé.
Quần áo màu đen và trắng cần phải tránh mặc trong dịp Đầu năm;vì những màu này khiến người ta liên tưởng đến tang tóc và cái chết trong văn hóa Trung Quốc.
Thay vào đó, hãy chọn những bộ đồ nhiều màu hơn. Nếu bạn không biết chọn màu gì, màu đỏ sẽ luôn là sự lựa chọn đúng đắn, một màu của điềm lành và hội hè, hay 喜庆 (Xǐ Qìng) và là màu sắc hoàn hảo cho dịp Tết Âm lịch.
Nên dọn nhà hay không?
Khi có chút thời gian rảnh, bạn có thể sẽ nghĩ dọn dẹp là một ý tưởng tốt. Dừng lại! Bạn không được quét nhà hay đổ rác cho tới ngày Mùng Năm của Năm Mới.
Người Trung Quốc tin rằng bất kỳ rác thải nào trong giai đoạn từ Mùng Một đến Mùng Bốn là 财气 (Cái Qì), hay tiền tài; trong khi đó, rác từ Mùng Năm trở đi là 穷气 (Qióng Qì), có nghĩa là “vận nghèo” sẽ khiến bạn mất mát tiền của.
Vậy nên bằng cách không vứt rác hay quét dọn gì cho tới ngày Mùng Năm, bạn đang tích tụ của cải, hay còn gọi là 聚财 (Jù Cái). Nếu vậy thì chắc chắn phải làm thôi!
Nhắc đến việc dọn dẹp, bạn cũng không nên giặt quần áo vào ngày Mùng Một và Mùng Hai Tết Âm lịch ở Trung Quốc.
Người ta tin rằng hai ngày đầu năm mới được dùng để mừng sinh nhật của Thủy Thần, 水神 (Shuǐ Shén). Và việc giặt giũ có thể làm vị thần này phật lòng.
Vậy nên nếu bạn không muốn bị xui xẻo, tốt nhất là nên chờ thêm một vài ngày. Và có gì để phàn nàn chứ nhỉ?
Khi nào nên đi thăm người thân?
Theo truyền thống, ngày đầu tiên của Năm Mới là ngày chúng ta sẽ đi thăm họ hàng để chúc Tết, hay còn gọi là 拜年 (Bài Nián/Bái Niêm). Với trẻ con, đây là dịp để thu thập Hồng bao (Bao lì xì) từ người lớn. Việc thăm họ hàng thường bắt đầu từ ngày Mùng Một Tết.
Tuy vậy, những người phụ nữ trong gia đình sẽ không được phép đến thăm họ hàng cho đến ngày Mùng Hai. Phụ nữ thường đặc biệt tránh việc thăm hỏi gia đình bố mẹ của mình 娘家 (Niáng Jiā) trong ngày Mùng Một, Mùng Bốn hoặc Mùng Năm của Năm Mới. Việc đó sẽ đem lại điềm xui cho cả gia đình bố mẹ của họ.
Trước khi gõ cửa nhà các người thân họ hàng, hãy lưu ý rằng bạn không nên đến thăm họ vào ngày Mùng Ba của Năm Mới.
Vì đây là ngày Xích Cẩu, hay còn gọi là 赤狗日 (Chì Gǒu Rì). Xích Cẩu là Thần Phẫn Nộ nên thăm hỏi người thân vào những ngày này sẽ bị coi là đem đến cãi vã.
Để tránh ngày Xích Cẩu và gìn giữ hòa khí, người Trung Quốc thường tránh đến thăm hỏi họ hàng trong ngày Mùng Ba của Năm Mới.
Nhắc đến cãi vã, người ta cũng tránh những bất đồng trong Năm Mới, đặc biệt là trong ngày Mùng Một.
Theo truyền thuyết dân gian Trung Quốc, ngày Mùng Một là ngày các thần đến thăm các gia đình ở hạ giới để chúc phúc và đem lại may mắn. Nếu họ nghe thấy tiếng cãi vã trong nhà, họ sẽ coi là gia đình này thô lỗ, không xứng đáng được nhận những lời chúc phúc và khinh bỉ mà bỏ đi.
Và vì lẽ đó, gia đình sẽ bị mất phần may mắn năm đó từ các vị thần. Thật là đáng tiếc!
Tuy vậy, không phải tất cả các chuyến thăm họ hàng trong năm mới đều giống nhau. Mặc dù việc đến thăm nhà họ hàng là một điều hoàn toàn bình thường, bạn sẽ phải tránh việc đến bệnh viện trừ phi cực kỳ cần thiết; đến bệnh viện trong dịp Năm Mới có thể đem bệnh tật cho cả năm tới.
Bạn cũng nên tránh việc phải uống thuốc nếu có thể. Uống thuốc vào năm mới có thể mang nghĩa là bạn sẽ bị ốm yếu bệnh tật và cần phải dùng thuốc trong suốt cả năm tới. Có lẽ bạn nên uống thêm nhiều nước ấm chẳng hạn?
Nghệ thuật tặng quà
Giả sử như bạn quyết định đến thăm người thân vào ngày Mùng Hai, hay 初二 (Chū èr) cùng cả gia đình. Bạn đã bọc tất cả các món quà trong giấy gói quà màu đỏ và bỏ đủ tiền vào trong Hồng bao cho các cháu nhỏ trong nhà.
Hãy kiểm tra lại lần chót để đảm bảo rằng bạn đã không vô tình đụng chạm đến các người thân trong gia đình bằng một món quà không phù hợp.
Bạn nên tránh tặng đồng hồ, dép lê, quả lê, ô dù, gương, và tất cả các thứ có màu đen và trắng.
https://soundcloud.com/user-671730457-254957997/gift-giving-in-china
Nghe thêm về văn hóa tặng quà ở Trung Quốc trong Podcast tiếng Anh sau của chúng tôi
Vì tất cả những món quà này đều nghe giống điềm xấu hoặc mang nghĩa xấu. Ví dụ như đồng hồ, 钟 (Zhōng), nghe giống từ 终 (Zhōng/Chung), nghĩa là sự kết thúc.
Vậy nên nếu bạn tặng ai đó một cái đồng hồ, nó có thể khiến người ta nghĩ rằng bạn đang chào từ biệt họ khỏi thế giới này, 送终 (Sòng Zhōng/Tống chung). Một món quà thường gặp khác mà bạn nên tránh là quả lê, 梨 (Lí),đồng âm với 离 (Lí/Ly),trong ly biệt. Bạn chắc chắn sẽ không muốn chúc người thân của mình có bất kỳ sự ly biệt nào phải không?
Mặc dù vậy, hãy cố gắng tìm hiểu những điều kiêng kỵ ở mỗi địa phương nữa nhé. Ví dụ, trong tiếng Quan Thoại, quả táo, 苹果 sẽ được đọc là Píng Guǒ. Nhưng trong tiếng Thượng Hải, nó lại được đọc là Bīng Gu, đồng âm với từ mang nghĩa mất vì bệnh tật. Nếu bạn sống ở Thượng Hải, tốt nhất là nên tránh việc tặng táo làm quà.
Hầu hết những trái cây khác khi đem tặng đều không ảnh hưởng gì, và một vài trái khác thì thường được tặng nhiều hơn vì cái tên mang lại may mắn của mình.
Ví dụ như quả táo 苹果 (Píng Guǒ), nghe giống như bình an 平安 (Píng Ān); quả quýt thì nghe giống như May mắn, 吉 (Jí); quả cam, 橙 (Chéng), thì nghe giống ước mơ thành hiện thực, hay 成 (Chéng) và đào 桃 (Táo) mang nghĩa trường thọ.
Bạn cũng nên kiểm tra số tiền mình bỏ trong Hồng bao. Thông thường thì tất cả các số tiền chẵn đều được, ngoại trừ số 4, tất nhiên rồi. Bạn hãy tránh việc trao hồng bao với số tiền lẻ trong đó nhé!
Cẩn trọng với những gì mình nói ra
Được rồi, vậy là bạn đã đến trước cửa nhà họ hàng của mình. Mọi người đều đang phấn chấn tinh thần và rôm rả kể chuyện, cười đùa và đôi lúc còn trêu chọc nhau nữa. Hãy cẩn thận đừng đi quá trớn với những lời nói của mình nhé.
Mặc dù các câu chúc hầu hết đều an toàn, bạn cũng nên tránh nói những gì mang lại điềm gở hoặc mang nghĩa tiêu cực. Những từ như 破 (Pò),坏 (Huài),没 (Méi),死 (Sǐ),光 (Guāng),鬼 (Guǐ),杀 (Shā), 病 (Bìng),穷 (Qióng) đều là những từ cần kiêng kỵ trong năm mới.
Chúng chắc chắn không phù hợp với dịp lễ Tết. Tốt nhất là nên để dành những câu đùa hơi đen tối đó vào một dịp khác.
Thông thường thì trong những dịp này, nhiều thế hệ của gia đình sẽ tụ họp lại với nhau. Hãy cố gắng đảm bảo là những đứa trẻ sẽ không khóc lóc trong thời gian này. Tiếng khóc trong năm mới sẽ đem xui xẻo đến cho cả gia đình.
Kể cả khi đứa trẻ đang gây rắc rối, người lớn cũng nên tránh la mắng chúng để tránh làm chúng bật khóc và thu hút xui rủi đến cho gia đình.
Trong khi đang ở nhà người thân, đột nhiên bạn nhớ ra rằng anh/em họ của bạn vẫn còn nợ bạn một chầu lẩu từ tuần trước.
Hãy nghĩ kỹ trước khi đòi tiền từ họ; vì mượn tiền vào Năm Mới là điềm xui cho cả hai bạn, đặc biệt là người anh/em họ của bạn. Trả nợ vào năm mới sẽ khiến anh/chị ta bị thất thu về tài chính suốt cả năm. Hãy để họ ăn mừng năm mới trong yên bình, bạn có thể đòi lại tiền sau Tết.
Còn ăn uống thì sao?
Cuối cùng cũng đã đến giờ ăn tối.
Bữa cơm quan trọng nhất trong năm với người Trung Quốc là bữa cơm Giao thừa, 年夜饭 (Nián Yè Fàn) vào đêm Giao thừa trước thềm Năm Mới.
Các gia đình Trung Quốc thường chuẩn bị rất nhiều đồ ăn trong dịp Tết Âm lịch, vì một bữa ăn dồi dào sẽ tượng trưng cho một Năm Mới no ấm tràn trề.
Bạn sẽ thấy rằng hầu hết các món thịt hoặc hải sản dùng cho những bữa ăn trong dịp Tết đã được chuẩn bị một vài ngày trước đó.
Đó là bởi vì trong Năm Mới Âm lịch người ta không được phép sát sinh.
Người Trung Quốc coi rằng việc sát sinh và máu me trong Năm Mới là một điềm xui xẻo.
Chúng sẽ đem đến những xui rủi có liên quan đến máu me như bị dao cắt hay tai nạn xe cộ, v.v. Để tránh điều đó, tất cả mọi con vật đều phải bị giết trước khi Tết về.
Bên cạnh thịt và hải sản, sẽ có những loại nguyên liệu khác được chuẩn bị trước. Đây là để tránh việc phải dùng dao, kéo hoặc các vật sắc nhọn khác trong dịp Năm Mới. Những thứ này sẽ cắt đứt may mắn của bạn trong cả năm sắp tới.
Bạn chắc chắn sẽ thấy những món cá được bày trên bàn trong những tuần đầu của Năm Mới.
Đó là vì cá, 鱼( (Yú), đồng âm với “dư”; và bày món cá trên bàn sẽ tượng trưng cho cả gia đình được 年年有余 (Nián Nián Yǒu Yú), nghĩa là dư dả trong suốt năm, tức là được sung túc.
Tuy vậy, đừng ăn đầu hoặc đuôi cá trong vòng từ Mùng Một đến Mùng Năm của Năm Mới. Bạn phải để thừa lại một ít gì đó để được dư dả suốt năm!
Một điều cấm kỵ khác trên bàn ăn là tránh cắt đứt 常年菜 (Cháng Nián Cài), một loại rau phổ biến trong dịp Năm Mới vì có cành và lá dài, tượng trưng cho trường thọ.
Cắt đứt loại rau này sẽ cắt bớt độ dài cuộc sống của bạn. Nên để được sống lâu, người Trung Quốc luôn nấu nguyên cả cành lá của loại rau này trong dịp Năm Mới.
Chuẩn bị đi ngủ
Sau một ngày dài, bạn đã sẵn sàng tắm rửa rồi leo lên giường đi ngủ. Nhưng khoan đã!
Bạn đã tích cóp may mắn cả ngày, nếu đi tắm sẽ rửa sạch hết chúng đi! Thực tế là bạn có lẽ sẽ muốn tránh mọi việc tắm rửa cho đến hết ngày hôm nay.
Không chỉ không được phép tắm, bạn còn không được phép gội đầu trong Năm Mới.
Đây là bởi vì tóc, 发 (Fā) đồng âm và đồng tự với chữ ‘Fā ‘ trong 发财 (Fā Cái/Phát Tài), có nghĩa là “trở nên giàu có”.
Nên gội đầu có thể sẽ làm bạn gội sạch đi tài vận của mình.
Tương tự như vậy, bạn cũng không nên cắt tóc trong Năm Mới; bạn sẽ không muốn cắt đứt tài vận của mình phải không nào! Người ta kỵ việc cắt tóc cho tới tận ngày mùng Hai tháng Hai Âm lịch.
Thật là một ngày dài!
Mặc dù có vô vàn những điều cấm kỵ, bạn đã có thật nhiều món ngon và những khoảng thời gian vui vẻ với gia đình. Trên tất cả, bạn có thể còn thu thập được vài hồng bao! Một khởi đầu không tệ cho một Tết Âm lịch phải không nào!
Cam kết đầu năm bằng tiếng Trung Quốc
Vậy để kết thúc bài này, chúng ta hãy cùng học một vài cam kết đầu năm thường gặp để bắt đầu một năm mới nhé!
Đầu năm là khoảng thời gian mà sau khi đã ăn uống no say, chúng ta sẽ cùng tập trung vào những mục tiêu thực sự và mục đích cuộc sống bằng những cam kết đầu năm của mình.
Bỏ qua một bên thực tế là các cam kết đầu năm thường không có kết quả tốt và chúng ta đều hiểu rằng chúng rất có khả năng sẽ không thành sau mỗi năm, Năm Mới vẫn khiến chúng ta muốn cải thiện bản thân mình…!
Vậy chúng ta hãy cùng bắt đầu một Năm Mới bằng cách học những điều mới với danh sách 10 Cam kết đầu năm phổ biến nhất bằng tiếng Quan Thoại nhé!
Cam kết đầu năm của bạn là gì?你的新年新希望是什么呢?(Nǐ de xīnnián xīn xīwàng shì shénme ne?)Tôi mong rằng năm nay tôi có thể
我希望今年可以。。。 (Wǒ xīwàng jīnnián kěyǐ)Giảm cân – 减肥 (jiǎnféi)Bỏ thuốc – 戒烟 (jièyān)Đi tập gym – 加入健身房会员 (jiārù jiànshēnfáng huìyuán)Hoàn thành việc học – 完成学业 (wánchéng xuéyè)Có bạn trai hoặc bạn gái – 交男/女朋友 ( jiāo nán/nǚ péngyǒu)Du lịch nhiều hơn – 多多出外旅游 (duōduō chūwài lǚyóu)Bỏ ăn thức ăn nhanh – 不要再吃垃圾食物 (bùyào zài chī lājī shíwù)Cắt bớt thời gian trên mạng xã hội – 少花时间在社会媒体上 (shǎo huā shíjiān zài shèhuì méitǐ shàng)Có một công việc tốt (hơn) – 找一个(更)好的工作 (Zhǎo yī fèn hǎo de gōngzuò)Đi nghe nhạc nhiều hơn – 多听些音乐会 (duō tīng xiē yīnyuè huì)
Và khi mà danh sách những Cam kết đầu năm của bạn đã bắt đầu, chúng ta sẽ chỉ cần phải chọn một cái và kiên trì theo đuổi nó.
Chúng tôi có một dự cảm rằng trong năm mới, kể cả khi có bất kỳ điều gì xảy ra với việc theo đuổi mục tiêu của mình, ít nhất bạn cũng có thể nói rằng bạn đã học được cách nói dối bằng tiếng Trung!
Chúng tôi mong rằng bạn đã có một thời gian tuyệt vời khi học về những truyền thống, phong tục Tết Âm lịch ở Trung Quốc và cam kết đầu năm bằng tiếng Quan Thoại với chúng tôi hôm nay!
Muốn tìm hiểu thêm về LTL? ?
Nếu bạn muốn nhận được những tin tức mới nhất từ Trường Hán Ngữ LTL, tại sao không gia nhập danh sách nhận email từ chúng tôi nhỉ? Chúng tôi sẽ gửi cho bạn rất nhiều thông tin hữu ích về việc học tiếng Trung, những ứng dụng học ngôn ngữ có ích và cập nhật về mọi thứ đang diễn ra ở các trường LTL của chúng tôi! Đăng ký bên dưới và trở thành một phần của cộng đồng đang lớn mạnh của chúng tôi nhé!
Dịch từ bản tiếng Anh của Max Hobbs từ trang của Trường Hán Ngữ LTL.