Hồng Bao - Mọi thứ bạn cần biết về bao lì xì với người Trung Quốc

Những điều tuyệt vời nhất nằm trong bao lì xì đỏ thắm

“Bao lì xì” hay còn gọi là “Hồng bao” trong tiếng Trung Quốc

Tết Âm lịch đang tới.

Và nó có nghĩa là bao lì xì, hay còn gọi là 红包 hongbao (红=đỏ, 包=bao), đang chuẩn bị xuất hiện. Cho dù bạn sẽ tặng hồng bao hay nhận hồng bao trong mùa Tết này, đây là những gì bạn cần phải biết về Hồng bao truyền thống của người Trung Quốc.

Hồng bao là gì?

Ai sẽ được nhận hồng bao?

Nên bỏ bao nhiêu tiền trong hồng bao?

Nguồn gốc của hồng bao

Hồng bao điện tử là gì?

Hồng bao là gì?

Hồng bao, 红包 (hóngbāo) trong tiếng Trung, là một món quà phổ biến mà người ta thường tặng cho nhau trong những dịp lễ hội lớn ở Trung Quốc và một vài nước Châu Á khác.

Người ta có thể tặng hồng bao trong các dịp như lễ cưới, lễ Tốt nghiệp, dịp sinh nhật hoặc thưởng công việc, nhưng chúng được dùng phổ biến nhất trong dịp Lễ hội Mùa xuân (Tết Âm Lịch).

Vì sao chúng lại phổ biến đến vậy? Chính là nhờ “sắc đỏ” rạng rỡ và những tờ tiền mới cóng bên trong!

Ai sẽ được nhận hồng bao?

A selection of Chinese hongbao
Các mẫu hồng bao của người Trung Quốc

Theo truyền thống, trẻ em và các thanh thiếu niên sẽ được nhận hồng bao từ những người thân lớn tuổi hơn, bạn bè và hàng xóm của gia đình trong dịp Tết Âm lịch.

Các cặp vợ chồng sẽ tặng hồng bao cho những người còn độc thân và người lớn sẽ tặng hồng bao cho trẻ em.

Một vài công ty cũng tặng hồng bao cho nhân viên của mình.

Một khi người lớn khi đã bắt đầu kiếm ra tiền sẽ phải lì xì không chỉ trẻ nhỏ mà còn cả bố mẹ và ông bà của mình để tỏ lòng hiếu thảo.

Màu đỏ tượng trựng cho may mắn và tài lộc cho năm mới, và nó cũng có tác dụng trừ tà nữa.

Nhưng điều tuyệt vời nhất là: tất cả các hồng bao đều chứa đầy tiền.

Tết Âm lịch - Hướng dẫn đầy đủ về ngày lễ lớn và quan trọng nhất Trung Quốc Thumbnail

Tết Âm lịch – Hướng dẫn đầy đủ về ngày lễ lớn và quan trọng nhất Trung Quốc

Tìm hiểu về Tết Âm lịch ở Trung Quốc – Những truyền thống và tập tục Tết Âm lịch là dịp lễ lớn nhất năm ở Trung Quốc! Các gia đình ở khắp Trung Quốc sẽ ăn mừng theo những…

Nên bỏ bao nhiêu tiền trong hồng bao?

Khi bỏ tiền vào hồng bao, người ta sẽ phải cân nhắc một số quy tắc sau.

Thông thường, người ta sẽ ưu tiên các tờ tiền mới rút ra từ ATM. Người ta sẽ đánh giá bạn nếu bạn lì xì những tờ tiền hay đồng xu đã cũ sờn.

Nên bỏ bao nhiêu tiền vào hồng bao?

Bạn nên tránh tất cả các số tiền có liên quan đến số bốn.

Số bốn trong tiếng Trung đọc là 四 (sì) nghe giống với chữ 死 (sǐ) có nghĩa là “chết” theo nghĩa đen. Chắc chắn không phải là điều bạn muốn nghĩ đến trong dịp Lễ Tết rồi.

Tất cả các bội số thập phân của 8 như 80 hay 800 Yuan đều có nghĩa tốt, vì số tám theo truyền thống Trung Quốc là một số may mắn.

Nếu bạn muốn tặng hồng bao cho người ấy của mình: các cặp đôi thường tặng nhau 520 Yuan, vì chuỗi số năm, hai, không trong tiếng Trung nghe giống cụm từ “wǒ ài nǐ” – “Anh/em yêu em/anh”.

À tiện thể: Nếu bạn được nhận tiền lì xì, bạn không được phép mở bao ngay. Hãy nhận phong bao lì xì bằng hai tay và nói cảm ơn – đây là phép lịch sự chung mỗi khi được nhận quà. Trong lễ cưới hay tiệc sinh nhật chẳng hạn, bạn cũng không được mở quà cho đến khi buổi tiệc kết thúc và các khách đã về hết.

Nguồn gốc của hồng bao

Không có một lí giải chắc chắn về nguồn gốc của truyền thống lì xì bằng hồng bao vào các dịp lễ Tết.

Nó có thể có liên quan đến một truyền thống từ thời nhà Tần (221 to 206 BC).

Vào thời đó, người ta dùng xu để thanh toán và người lớn thường dùng chỉ đỏ cột các đồng xu thành một chuỗi để cầu may mắn, trừ bệnh tật và chết chóc.

Chuỗi tiền được gọi là 壓祟錢 (yāsuì qián) “tiền trừ ma“ (yāsuì = trừ ma quỷ, qián = tiền). Sau này, yāsuì qián đã được thay thế bằng hồng bao và ý nghĩa của nó thay đổi một chút thành chữ 歲 (suì= tuổi già).

Ngày nay, phần tiền nằm trong hồng bao vẫn được gọi là yāsuì qián nhưng lại mang ý nghĩa là “tiền mừng tuổi”.

Truyền thuyết về hồng bao

Chinese New Year decorations
Trang trí Tết Âm lịch

Có một diễn giải khác cho nguồn gốc của hồng bao là, vào thời cổ đại có một con quỷ đáng sợ tên là Suì (quỷ).

Con quỷ này toàn thân đen tuyền, ngoại trừ đôi bàn tay thường có màu trắng.

Mỗi năm vào đêm Giao thừa, con quỷ sẽ đến sờ vào trán của những đứa trẻ đang ngủ ba lần.

Trong cơn hoảng loạn, đứa bé sẽ bật khóc rồi sau đó sẽ bị đau đầu, sốt và bắt đầu la khóc.

Khi những triệu chứng này xuất hiện, đứa trẻ sẽ dần bị thiểu năng. Để bảo vệ những đứa trẻ và đuổi con quỷ đi, các bậc bố mẹ sẽ bật đèn sáng và thức suốt đêm Giao Thừa.

Đây có thể là nguồn gốc của truyền thống “thức trong đêm Giao Thừa” còn được gọi là 守岁(shǒusuì), gốc được viết là 守祟” “thủ Suì”, sau này được thay với chữ đồng âm là “岁”(suì) “năm”.

Vào một tối Giao Thừa ở Chiết Giang, Giang Tô, có một cặp vợ chồng già đang lo lắng rằng con quỷ Suì sẽ đến để làm hại con trai của họ. Rồi họ cho con trai của mình tám đồng xu bọc trong tờ giấy đỏ.

Đứa trẻ cứ gói rồi lại gỡ tám đồng xu trong tờ giấy đỏ của mình cho đến khi mệt và ngủ thiếp đi.

Vì màu đỏ là màu của may mắn, năng lượng và sự tươi sáng trong truyền thống Trung Quốc, và người ta tin rằng màu này sẽ có thể bảo vệ con người khỏi ma quỷ, cặp vợ chồng quyết định đặt tám đồng xu bên cạnh gối của con trai mình.

Khi mọi người đã bắt đầu say giấc, con quỷ xuất hiện và bước đến bên cạnh giường của đứa trẻ. Nhưng khi nó vươn tay ra định chạm vào trán của đứa bé, một luồng sáng vàng bỗng phát ra từ phong bao màu đỏ. Hoảng sợ trước ánh sáng lạ, con quỷ vội vã bỏ chạy mất.

Câu truyện này nhanh chóng lan khắp ngôi làng, và các bậc bố mẹ bắt đầu chuẩn bị những phong bao màu đỏ – đúng nghĩa đen là hồng bao 红包 (hóngbāo) – để bảo vệ con cái của mình.

Hồng bao điện tử là gì?

Ở Trung Quốc, trong những năm gần đây, hồng bao điện tử đã gần như thay thế hoàn toàn hồng bao truyền thống.

Trong cuộc sống hàng ngày, tiền giấy và đồng xu có vẻ như đã là quá khứ. Thay vào đó, ngay cả các bậc bô lão cũng đã dùng điện thoại để mua Bánh-bao-ba-Tệ và trên tường của các cửa tiệm tạp hóa truyền thống giờ cũng đã dán mã QR để thanh toán điện tử.

Vậy thì chẳng bao lâu nữa, văn hóa lì xì bằng hồng bao cũng sẽ chuyển mình để bắt kịp kỷ nguyên công nghệ số ngày nay.

Năm 2014, WeChat đã giới thiệu hồng bao điện tử và không lâu sau đó, đối thủ của họ là Alipay cũng làm điều tương tự.

Thay vì phải trao tận tay, hồng bao điện tử có thể được gửi thông qua ứng dụng từ điện thoại thông minh của người này sang người khác. Phần tiền trong bao sẽ được ghi có vào ví điện tử của người nhận ngay khi hồng bao điện tử được mở ra.

Digital red envelope
Hồng bao điện tử

Kể từ khi được giới thiệu, mỗi dịp Tết Âm lịch đến, ngày càng nhiều hồng bao điện tử được gửi đi.

Vào Tết Âm lịch năm 2018, Tencent (công ty phát triển WeChat) đã báo cáo con số 768 triệu người gửi và nhận hồng bao điện tử qua ứng dụng của họ chỉ trong vòng 6 ngày Tết.

Và vì sự tiện lợi của nó, chỉ cần một cú phẩy tay mà bạn có thể gửi hồng bao điện tử cho tất cả bạn bè, đồng nghiệp và các nhóm chat lớn nhỏ của mình. Hồng bao điện tử đã trở thành một cách khá phổ biến để tặng những hồng bao trị giá vài kuai cho gần như tất cả mọi người trong danh sách liên lạc của mình trong dịp lễ.

Đó là một cách để chào hỏi và Chúc mừng năm mới, và thường thì việc lì xì cũng có đi có lại nên cuối cùng thì nó cũng không quá ảnh hưởng đến ví tiền của bạn.

Cho dù là hồng bao truyền thống hay hồng bao điện tử – truyền thống lì xì vẫn đang tồn tại và là một phần thiết yếu của việc ăn mừng Tết Âm lịch.

Tóm tắt lại:

Tết Âm lịch – Lễ hội Mùa xuân

Lưu ý rằng bạn sẽ chỉ lì xì hồng bao cho người nhỏ tuổi hơn mình thôi nhé.

Khi bỏ tiền vào hồng bao, tránh số tiền có liên quan đến số bốnluôn dùng những tờ tiền mới.

Hãy nhận bao lì xì bằng hai tayđừng mở bao ngay trước mặt người tặng.

Hồng bao điện tử có thể được gửi qua WeChat, là một cách vui và phổ biến để gửi lời Chúc Mừng Năm Mới đến bạn bè và đồng nghiệp của mình.

Các câu hỏi thường gặp về hồng bao

Hồng bao là gì?

Hồng bao có nghĩa là phong bao màu đỏ 红包 hongbao (红=đỏ, 包=phong bao). Đây là một món quà phổ biến trong các dịp Lễ Tết ở Trung Quốc.

Ai sẽ được nhận hồng bao?

Theo truyền thống thì trẻ em và thanh thiếu niên sẽ được nhận hồng bao từ người thân lớn tuổi hơn, bạn bè của gia đình và hàng xóm trong dịp Tết Âm lịch.

Nếu tôi tặng hồng bao có 40 Nhân dân Tệ trong đó thì có tệ không?

Bốn là con số xui xẻo trong văn hóa Trung Quốc nên có, điều này rất tệ. Bạn hãy tránh mọi con số có số bốn trong đó nhé.

Vậy nếu tôi tặng hồng bao có 88 Nhân dân Tệ trong đó thì có được không?

Có chứ, tám là con số may mắn trong văn hóa Trung Quốc nên mọi người sẽ rất vui vẻ nhận hồng bao với số tiền này. Tất cả các bội số thập phân của 8 như 80 hay 800 Tệ cũng đều tốt nhé.

Muốn tìm hiểu thêm về LTL Flexi Clases?

Nếu bạn muốn nhận được những tin tức mới nhất từ Trường Hán Ngữ LTL, tại sao không gia nhập danh sách nhận email từ chúng tôi nhỉ? Chúng tôi sẽ gửi cho bạn rất nhiều thông tin hữu ích về việc học tiếng Trung, những ứng dụng học ngôn ngữ có ích và cập nhật về mọi thứ đang diễn ra ở các trường LTL của chúng tôi! Đăng ký bên dưới và trở thành một phần của cộng đồng đang lớn mạnh của chúng tôi nhé!

Dịch từ bản tiếng Anh của Johanna Wolff từ trang của Trường Hán Ngữ LTL.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *